ĐIỀU CON CẦN MỘT NGƯỜI MẸ “ĐỦ TỐT” – Sr. Teresa Trần Lý FMA


ĐIỀU CON CẦN MỘT NGƯỜI MẸ “ĐỦ TỐT”.
———————————–
👉Tại giáo xứ Tân Định, CĐGD đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu các tham dự viên với đề tài hấp dẫn: “Điều con cần một người mẹ đủ tốt”. Chuyên đề do Sr. Teresa Trần Lý FMA làm diễn giả. Thật bất ngờ khi buổi sinh hoạt có rất nhiều “bà mẹ trẻ” bồng bế con theo; cùng với “mẹ bầu” cũng góp mặt trong khán phòng khiến bầu khí thêm gần gũi và ấm áp như một mái gia đình.
🌿Chào đón các bạn với nụ cười tươi tắn, Sr. Teresa bắt đầu bằng câu hỏi: Làm sao để là một người mẹ “đủ tốt”? Một gợi ý thú vị và thắc mắc từ mọi người với từ “đủ tốt”! Bởi, tình yêu và lòng hy sinh của người mẹ rất đỗi bao la và ngọt ngào, dường như không có ranh giới kết thúc. Đứa con thân yêu được thai nghén và hình thành trong bụng mẹ cho đến lúc chào đời, là món quà vô giá Chúa ban tặng người mẹ…Thì biển Thái Bình dẫu có mênh mông cũng không đong đầy tình mẹ! Sao có thể ví lòng mẹ “đủ tốt” hay “quá tốt”? Sr Teresa đã diễn giải rất hay về câu hỏi này, lần lượt mở ra những băn khoăn và các vấn đề về giao tiếp dưới góc nhìn tâm lý và giáo dục, giúp người mẹ trẻ hiểu về thiên chức của mình hơn.
✨Thế nào là người mẹ tốt? Người mẹ tốt là người mẹ tốt “vừa đủ” và tốt ở mức nào thì “đủ”? Sr Teresa nêu hai chức năng quan trọng của Parenting: Đáp ứng và Đòi hỏi.
– Đáp ứng: Nhu cầu thể lý, được yêu thương, an toàn, được khẳng định nơi con.
– Đòi hỏi: Đặt ra ranh giới, phép tắc, đạo đức, kiểm soát, kiềm chế cảm xúc của con…
Những thái cực của đáp ứng và đòi hỏi “cao, thấp” dẫn đến ảnh hưởng khác nhau (tiêu cực và tích cực) giữa cha mẹ và con cái.
– Overparenting: cha mẹ bao bọc quá mức, làm nô lệ cho con.
– Toxicparents: cha mẹ độc hại gây tổn thương cho con bằng lời nói, hành động hoặc xâm hại tình dục.
👉Làm sao để quân bình giữa đáp ứng và đòi hỏi? Nhà tâm lý học Benjamin Bloom đã đưa ra những cột mốc các giai đoạn “vàng” của việc giáo dục con. Trong các giai đoạn phát triển con người, những năm đầu đời là giai đoạn kỳ diệu, còn gọi là “thời kỳ phát triển vàng”.
– Từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Đây là gắn bó cảm xúc đầu tiên của trẻ tạo nên hình ảnh về bản thân trong suốt cuộc đời sau này. Trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ trong mọi mặt để sinh tồn. Nhờ sự chăm sóc của mẹ, có 4 loại gắn bó giữa mẹ và con (The 4 Attachment Styles- John Bowlby): An toàn, Lo âu, Né tránh, Lo âu- Né tránh. Mỗi hình thức gắn bó sẽ dẫn đến hệ quả tốt hoặc xấu, ảnh hưởng nhân cách của trẻ sau này.
– Từ 7-9 tháng tuổi: Trẻ bắt đầu có một biểu tượng thống nhất về mẹ. Trẻ có ý thức rằng mẹ có một chức năng giá trị độc nhất. Người mẹ cần có sức khỏe và tinh thần thoải mái để đáp ứng nhu cầu cho trẻ.
– Từ 9 tháng – 3 tuổi: giai đoạn mẹ và con phân tách để lớn lên.
– Từ 2-3 tuổi: Bước vào giai đoạn khủng hoảng, muốn tách biệt với mẹ, là một trạng thái phát triển tâm lý cần thiết.
– Tuổi mẫu giáo 3-6 tuổi: Trẻ phát triển tất cả sắc thái cảm xúc với môi trường xung quanh.
✨Hãy là người mẹ “đủ tốt”, đừng “tốt quá”.
❤Người mẹ đủ tốt: Cho con trải nghiệm “Ảo tưởng”- Ilusion, về sự toàn năng chủ quan. Và “Vỡ mộng”- Dislluion: để tiếp xúc với “thực tế khách quan”. Người mẹ “đủ tốt” sẵn sàng về mặt cảm xúc “phản chiếu” cho con. Trải nghiệm Thất vọng tối ưu. Tạo cơ hội cho con trải nghiệm những cảm xúc tích cực và chấp nhận cảm xúc tiêu cực. Giúp con đón nhận giới hạn, đáp ứng nhu cầu tình cảm và xây dựng nhân cách tốt cho con trẻ.
🌿Trong gia đình người Công giáo, nuôi dạy con theo nhân cách người Kitô hữu là tiêu chí hàng đầu. Thánh Gia Thất là tấm gương chuẩn mực để các gia đình noi theo. Bạn trẻ nữ có Mẹ Maria dịu dàng, tinh tế với nhân cách sống tốt lành làm mẫu mực. Bạn nam có Đức Giê-su nhân hậu, giàu lòng thương xót làm kim chỉ nam cho cuộc đời. Để đôi bạn khi tiến đến hôn nhân, trở nên một người cha tốt, một người mẹ hiền cùng nhau giáo dục con trẻ nên người hữu ích cho gia đình và xã hội. ĐGH Gioan Phao-lô II đã nói: “Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Trong đó, người mẹ “đủ tốt” có vai trò quan trọng, là điều con trẻ cần hơn hết!
Anna Phi Huyền
———————————–

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *