GIÚP NHAU HOÀN THIỆN


CHÚA NHẬT TUẦN 23 – Năm A

Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 15:15-17)

 

Sửa lỗi để giúp nhau hoàn thiện hơn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển gia đình cũng như cộng đoàn. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta một tiến trình hòa giải gồm ba bước. Có ba điều quan trọng cần lưu tâm trong tiến trình này.

 

Điều quan trọng đầu tiên là giữ kín lỗi lầm của họ. Điều này rất khó vì chúng ta rất thường bị cám dỗ phát tán lỗi lầm ấy nhằm xả cơn giận và thỏa mãn khao khát báo thù. Chắc chắn chẳng ai muốn bị đối xử như thế khi phạm lỗi. Trong bước đầu tiên này, chúng ta nỗ lực tìm dịp để cảm thông trong tình bác ái huynh đệ bởi vì lỗi lầm của họ chắc chắc là hậu quả từ những kinh nghiệm bị tổn thương mà đương sự đã trải qua trong quá khứ.

 

Tuy nhiên, nếu những nỗ lực cá nhân ấy bất thành, những bước tiếp theo cần đến sự trợ giúp của bên thứ ba là hai hoặc ba người và Giáo Hội. Mục đích của những bước này không nhằm tìm kiếm đồng minh hay khiến người phạm lỗi bị sỉ nhục trước công chúng. Mục đích chính vẫn là giúp đương sự nhận ra lỗi lầm của mình và thay đổi.

 

Nếu người phạm lỗi vẫn cương quyết khước từ mọi nỗ lực đó, bước sau cùng là đối xử với đương sự như người ngoại hay một người thu thuế. Mục đích của bước cuối cùng này hoàn toàn không phải là loại trừ hay tuyệt giao mà là tôn trọng sự tự do của đương sự trong việc đón nhận hay từ chối thiện ý của chúng ta như Chúa Giê-su đã làm với ông Giu-đa kẻ bán Thầy và Phê-rô kẻ chối Thầy. Có thể nói sự mở lòng của người phạm lỗi đóng một vai trò khá quan trọng và quyết định trong tiến trình hòa giải. Nếu họ vẫn cố tình khép lòng thì Chúa cũng “bó tay” chẳng làm gì được. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là một ví dụ điển hình.

 

Có lần, Thắng đến thăm một bệnh nhân nam lớn tuổi đang hấp hối. Thắng hỏi chú có cần các Bí Tích sau cùng không. Chú ấy thì thầm với một tông giọng rất buồn rằng “Chú đã từng là một linh mục. Chú đã bị phạt vạ tuyệt thông với Giáo Hội. Chú biết rất rõ rằng chú không được phép nhận bất cứ Bí tích nào.” Thắng thật sự buồn khi nghe chú tâm sự.

 

Thắng đã nói với chú ấy rằng “Con không biết lý do chú bị Giáo Hội phạt như thế. Nhưng con tin rằng Thiên Chúa luôn thương yêu và tha thứ cho chú. Con sẳn sàng cử hành các Bí tích sau cùng cho chú, nếu chú muốn.” Chú ấy chau mày nhìn Thắng rồi hỏi lại “Cha có nghiêm túc không vậy?” Thắng lại khẳng định một lần nữa rằng “Nếu chú muốn, con sẽ cử hành các Bí Tích sau cùng cho chú.” Ngay sau khi chú gật đầu đồng ý, chú ấy đã lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân và rước Mình Thánh Chúa trong những giọt nước mắt hân hoan ngay trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời.

 

Kinh nghiệm ý nghĩa này cho thấy tầm quan trọng của ơn hòa giải trong cuộc sống và sự cần thiết của bước sau cùng vì nó giúp chúng ta khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của bản thân và giao phó người phạm lỗi cho Chúa trong tâm tình cầu nguyện liên lỉ cho đương sự được ơn biến đổi. Hơn thế nữa, việc cầu nguyện cho người phạm lỗi không những giải thoát chúng ta khỏi hận thù mà còn đem lại sự thanh thản và bình an nơi tâm hồn.

 

Xin Chúa ban cho mỗi người một tấm lòng khiêm nhu và bao dung để chúng ta có thể hòa giải với những người xúc phạm đến chúng ta ngỏ hầu tất cả chúng ta ngày càng trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Amen.

 

Trong tâm tình đó, chúng ta cùng lắng nghe một ca khúc rất tâm tình và sâu lắng “Giúp Nhau Hoàn Thiện,” một sáng tác của hai nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Minh Kỳ, do ca sĩ Hà Vân trình bày.

 

Chúc một ngày mới tràn đầy ân sủng và bình an!

Thắng, msc

“Nhận nhưng không, cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin cám ơn. Thắng.

——————————-

#chuongtrinhchuyendegiaoduc

#chuyendegiaoduc

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *