HÃY THA BẢY MƯƠI LẦN BẢY
CHÚA NHẬT TUẦN 24 – Năm A
‘Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”’ (Mt 18:21-22)
Theo truyền thống Do-thái, số bảy là số trọn hảo. Vì thế, khi dạy chúng ta tha thứ bảy mươi lần bảy, Chúa Giê-su muốn chúng ta không đặt giới hạn cho tha thứ, nghĩa là tha thứ mãi mãi vì bốn lợi ích tuyệt vời mà tha thứ đem lại như sau:
Tha thứ để trở nên giống Chúa Giê-su là Hình Ảnh vô hình của Chúa Cha Đấng giàu lòng xót thương. Do tình yêu là bản chất của Thiên Chúa và tha thứ là dạng thức cao nhất của tình yêu nên Thiên Chúa không thể ngừng yêu và tha thứ một cách vô điều kiện: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8)
Tha thứ để nhận được ơn thứ tha của Thiên Chúa (Mt 6:14). Thù hận và ơn tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa luôn đối nghịch nhau và không thể tồn tại cùng một lúc nơi tâm hồn. Vì thế, chỉ khi nào tha thứ bằng cách buông bỏ hận thù thì ơn tha thứ mới có chỗ trong tâm hồn.
Tha thứ để bản thân được giải thoát. Từ chối tha thứ là giam hãm bản thân trong cay đắng hận thù và là trừng phạt bản thân bằng chính lỗi lầm của người khác. Chúng ta không thể thay đổi khứ đau buồn nhưng hoàn toàn có thể thay đổi những ảnh hưởng của nó trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Tha thứ để đón nhận cuộc sống mới tươi sáng và bình an. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thù hận làm gia tăng căng thẳng, gây suy giảm hệ miễn dịch và có hại cho sức khỏe. Như vậy, tha thứ là cách giải độc tốt nhất cho cơ thể. Chắc chắn rằng người biết tha thứ sẽ tận hưởng cuộc sống thanh thản và bình an.
Làm thế nào biết mình đã tha thứ thật sự?
Thật sai lầm khi nghĩ rằng tha thứ là quên đi lỗi lầm của người xúc phạm bởi vì chỉ có người mất trí nhớ mới làm được điều đó. Dấu hiệu để nhận biết tha thứ thật sự là, khi nhìn những vết sẹo của những kinh nghiệm bị tổn thương, ta không còn cảm thấy đau nữa mà biết ơn vì những bài học rất giá trị mà chúng đã dạy như: sự cảm thông, lòng trắc ẩn, sự bao dung v.v…
Qua cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su cũng đã học được một bài học rất quý về vâng phục theo thánh ý của Chúa Cha (Pl 2:8). Có lẽ vì thế, trong những lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Ki-tô Phục Sinh thường làm một việc có vẻ kỳ lạ là “khoe” những vết thương trên thân thể Ngài. Hành động kỳ lạ này của Chúa Giê-su cho thấy Ngài đã trân trọng những vết thương ấy như những dấu chỉ cho tình yêu và tha thứ của Ngài mãi mãi.
Như vậy, tha thứ theo kiểu của Chúa Giê-su không đơn thuần là buông bỏ những kinh nghiệm đau buồn trong quá khứ mà là đón nhận chúng với lòng biết ơn vì những đóng góp của chúng trong việc hình thành và phát triển con người hiện tại cùng với những phẩm chất rất cao quý mà chúng đã dạy.
Chúa Giê-su muốn chúng ta tha thứ luôn mãi vì tha thứ là một hành trình kéo dài suốt cuộc đời. Tha thứ là một chọn lựa có tính quyết định đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Xin Chúa giúp chúng ta buông bỏ những cay đắng hận thù nơi tâm hồn và giúp chúng ta yêu thương và tha thứ cho nhau như Ngài đã yêu thương và tha thứ cho mỗi người chúng ta. Amen.
Trong tâm tình đó, chúng ta cùng với hai nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Minh Kỳ và ca sĩ Uyên Di đáp lại lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay “Hãy Tha Bảy Mươi Lần Bảy.”
Chúc một ngày mới tràn đầy ân sủng và bình an!
Thắng, msc
“Nhận nhưng không, cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin cám ơn. Thắng.
#chuongtrinhchuyendegiaoduc
#chuyendegiaoduc
Trả lời